Nhập viện do ăn nhiều quá mức
ThS.BS Kim Anh, Phòng rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, đây là bệnh nhân nữ 20 tuổi, sinh viên đại học năm thứ 2, gia đình khá giả, hòa thuận, không có tiền sử bệnh lý gì về thể chất, tinh thần, tuy nhiên tích cách dễ xúc động, trầm tính.
Trước đó, khi học cuối lớp 12, bệnh nhân có tình cảm với một bạn trai trong lớp, tuy nhiên bị từ chối với lý do bệnh nhân béo. Bệnh nhân cố gắng tiếp tục theo đuổi bạn trai này, đồng thời bắt đầu không hài lòng với hình ảnh cơ thể của mình, tự cho mình là béo khi soi gương và tìm cách giảm cân. Mặc dù lúc đó cô gái cao 155cm, nặng 50kg.
Bệnh nhân ngày càng bận tâm và lo lắng về việc béo phì. Khoảng cuối năm thứ nhất và đầu năm học đại học thứ 2, bệnh nhân tự bỏ hai bữa ăn trong ngày và chỉ ăn một bữa salad vào buổi trưa.
Cô gái duy trì chế độ ăn như trên trong 6-7 tháng, sút 8kg và trông gầy đi. Bản thân cô cũng nhận thấy chế độ ăn không phù hợp với hình thể của mình và các cơ trở nên nhão dần, có lúc thấy quần áo rộng thùng thình.trích dẫn từ Khe web trực tiếp
Lúc này, cô bắt đầu có sở thích mãnh liệt đối với các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, ăn các bữa có một lượng rất lớn thực phẩm giàu calo khoảng 5-6 lần một tháng và cảm thấy hối hận ngay sau bữa ăn.
“Các cơn ăn uống nhiều ngày càng tăng lên, các cơn này bắt đầu bằng cảm giác căng thẳng quá mức, sau đó bệnh nhân say sưa ăn uống rất nhiều nhằm mục đích cho mình cảm thấy thoải mái hơn. Dần dần các cơn ăn uống nhiều trở nên mất kiểm soát, bệnh nhân không thể kiềm chế và bằng mọi cách phải có thức ăn để ăn cho đến khi cảm thấy không thể nạp thêm nữa”, BS Kim Anh chia sẻ.
Nhưng sau khi ăn xong, bệnh nhân lại có cảm giác vô cùng xấu hổ và thất vọng. Vì cảm giác đó, cô gái cố gắng loại bỏ thức ăn đã ăn bằng cách uống một lượng lớn thuốc nhuận tràng ngay sau bữa ăn. Dù ăn nhiều nhưng cân nặng bệnh nhân vẫn trong giới hạn bình thường.
Thậm chí, các cơn ăn nhiều xuất hiện cả vào ban đêm, sau khi ngủ vài tiếng làm cho giấc ngủ gián đoạn. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau và không muốn đi học.
Biểu hiện ngày càng tăng lên, sau 8 tháng những cơn ăn quá nhiều khiến bệnh nhân ngày càng cảm thấy chán nản, xấu hổ và bi quan. Bệnh nhân ít khi đi ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với mọi người hơn, các thú vui trước đây đều giảm. Bệnh nhân trở nên dễ cáu gắt, bực tức hơn, kết quả học tập kém hơn trước.
BS Kim Anh cho biết, bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa tâm thần và được chẩn đoán ăn vô độ tâm thần, phải nhập viện để điều trị tích cực (dùng thuốc, kết hợp liệu pháp nhận thức – hành vi).
Sau một tháng bệnh nhân giảm các cơn ăn uống hơn, còn khoảng 1 cơn/ tuần, được ra viện. Sau 2 tháng, bệnh nhân cơ bản không còn cơn ăn nhiều, không còn buồn chán, tự tin, vui vẻ hơn.
Dấu hiệu nhận biết chứng ăn vô độ tâm thần
ThS.BS Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, ăn vô độ tâm thần đặc trưng bởi các giai đoạn ăn vô độ tái diễn, sự bận tâm quá mức đến cân nặng, bệnh nhân dùng các biện pháp cực đoan để giảm tác dụng gây béo của thức ăn đã dùng (thanh lọc, móc họng gây nôn, dùng thuốc xổ ngay sau ăn…)
Bệnh nhân thường khởi phát ở tuổi vị thành niên và thanh niên, hiếm gặp ở trẻ trước tuổi dậy thì hoặc người trên 40 tuổi. Đặc biệt, bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, với tỷ lệ nữ/nam là 3/1. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở phụ nữ 20-29 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh. Ăn vô độ tâm thần có yếu tố di truyền, những người trong gia đình có thành viên mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ mắc 28-74%.
“Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng là tâm lý – xã hội, nhất là ở các bạn trẻ tuổi dậy thì. Trẻ hay bị sang chấn tâm lý khi bị bạn bè miệt thị về cân nặng, bị chê “béo thế, mập thế”, thậm chí bị bắt nạt.
Đây là một trong các nguyên nhân đầu tiên và là yếu tố quan trọng thúc đẩy trẻ thanh thiếu niên (đặc biệt là nữ giới) mắc rối loạn ăn vô độ tâm thần”, BS Tùng lý giải.
Theo chuyên gia, dấu hiệu nhận biết bệnh về thể chất gồm:
– Thường có trọng lượng cơ thể bình thường hoặc trên trung bình.
– Lặp đi lặp lại việc ăn uống vô độ và sợ không thể ngừng ăn.
– Tự gây nôn (thường âm thầm), cổ họng luôn bị viêm hoặc đau.
– Các vấn đề về răng do xói mòn men răng, hậu quả của nôn mửa.
– Tập thể dục quá mức.
– Kinh nguyệt không đều hoặc hoàn toàn không có kinh.
– Lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, gây rối loạn tiêu hóa.
Dấu hiệu nhận biết về cảm xúc gồm:
– Cảm giác chán nản về bản thân và vẻ ngoài của cơ thể, bận tâm quá mức về cơ thể.
– Mệt mỏi và ít năng lượng.
– Thiếu tự tin về bản thân đặc biệt là ngoại hình.
– Cảm giác bất lực thậm chí bất mãn sâu sắc với hình dáng và kích thước cơ thể.
– Cảm giác căm ghét bản thân sau khi ăn.
Người bị bệnh ăn vô độ tâm thần thường kèm thêm các rối loạn khác như rối loạn trầm cảm, lo âu, tâm thần do sử dụng chất, chiếm tỷ lệ khoảng 30-50%. Những trường hợp nhẹ chỉ cần trị liệu tâm lý, nặng hơn thì cần dùng thuốc, kết hợp điều trị biến chứng, dùng thuốc điều biến não…